Chiều 20-5, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh trình bày tại QH Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT. Trước đó, QH đã nghe Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đọc Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2011 và báo cáo thẩm tra của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển.
Giảm thuế để tăng nguồn lực tài chính cho DN
Theo Tờ trình của Chính phủ, bên cạnh những kết quả đạt được, do sự biến động nhanh của nền kinh tế nên một số quy định trong Luật thuế TNDN đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, không theo kịp sự vận động của thực tiễn 4 năm thi hành.
Thực hiện Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020, do đó, cần điều chỉnh giảm mức động viên thuế tạo điều kiện tăng tích luỹ, tích tụ cho doanh nghiệp. Mức thuế suất phổ thông tuy không cao hơn các nước trong khu vực nhưng cần được nghiên cứu từng bước điều chỉnh giảm để đảm bảo sự hấp dẫn trong thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh, phù hợp với xu thế cải cách thuế của thế giới.
Theo Chiến lược cải cách thuế của nước ta đến năm 2020 thì cần giảm dần mức động viên để đến năm 2020 mức thuế suất thuế TNDN giảm xuống mức hợp lý. Để thực hiện chiến lược cải cách thuế thì cần nghiên cứu sửa đổi Luật theo hướng giảm mức thuế suất phổ thông để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư, khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra nhiều hàng hóa, của cải vật chất cho xã hội, tạo thêm nhiều lợi nhuận và thuế nộp cho NSNN cũng sẽ tăng thêm.
Bên cạnh đó, yêu cầu sửa Luật là nhằm đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và công tác quản lý thuế, tạo điều kiện cho việc hiện đại hoá quản lý thuế
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN dự kiến sửa đổi, bổ sung 12/20 điều của Luật hiện hành, gồm 11 nhóm vấn đề cụ thể. Trong đó, những sửa đổi liên quan đến quy định về thuế suất, dự thảo luật quy định: Giai đoạn 2014-2015 áp dụng thuế suất phổ thông là 22%; đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ có tổng doanh thu năm không quá 20 tỷ đồng, sử dụng dưới 200 lao động làm việc toàn bộ thời gian áp dụng mức thuế suất 20%. Một số trường hợp áp dụng thuế suất từ 32% đến 50% giao Chính phủ quy định chi tiết. Những trường hợp thuộc diện áp dụng thuế suất 22% trong giai đoạn 2014-2015 chuyển sang áp dụng thuế suất 20% kể từ ngày 1-1-2016.
Những quy định này nhận được sự tán đồng của Ủy ban Tài chính- Ngân sách, cơ quan thẩm tra dự án Luật, vì chủ trương giảm thuế suất là góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh, đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi 20% xuống 17% kể từ 01/01/2016 vừa đảm bảo sự tương quan giữa mức thuế suất phổ thông 20% với mức thuế suất ưu đãi 10% và vẫn đảm bảo sự hấp dẫn của mức thuế suất ưu đãi 10% so với mức thuế suất ưu đãi 17%.
Mức thuế suất phổ thông giảm xuống còn 22% và việc áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa đảm bảo tính cạnh tranh, hấp dẫn thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực (Trung Quốc, Indonesia, Malaysia: 25%) và cũng không gây tác động giảm thu đột ngột tạo sức ép về cân đối ngân sách của năm áp dụng, đồng thời không xáo trộn nhiều tới hệ thống chính sách ưu đãi. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa được áp dụng thuế suất thấp hơn so với các trường hợp thông thường sẽ có điều kiện tăng tích tụ, tích luỹ tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao được năng lực cạnh tranh.
Về tác động ngân sách, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Năm 2014 theo chính sách thuế TNDN hiện hành thì dự kiến thu ngân sách nhà nước từ thuế TNDN khoảng 150.800 tỷ đồng, nếu điều chỉnh thuế suất từ 25% xuống 22%, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa xuống 20% và ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 22.200 tỷ đồng (trong đó giảm khoảng18.100 tỷ đồng do điều chỉnh mức thuế suất xuống 22%, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng do áp dụng thuế suất 20% đối với doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, khoảng 2.080 tỷ đồng do bổ sung đối tượng ưu đãi và ưu đãi đối với đầu tư mở rộng).
Năm 2016 dự kiến giảm thu ngân sách thêm khoảng 21.190 tỷ đồng đến 21.580 tỷ đồng so với mặt bằng thuế suất 22% (trong đó giảm khoảng 16.780 tỷ đồng do điều chỉnh giảm thuế suất phổ thông xuống 20%, giảm khoảng từ 4.410 tỷ đồng đến 4.800 tỷ đồng do điều chỉnh mức thuế suất ưu đãi 20% xuống 17%).
Theo tính toán của Chính phủ, số giảm thu này sẽ được bù lại một phần trong năm 2014 khoảng từ 1.200 tỷ đồng đến 1.500 tỷ đồng và được bù lại một phần trong năm 2016 khoảng từ 2.000 tỷ đồng đến 2.500 tỷ đồng do tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế TNCN vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư; đồng thời, sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào những năm sau do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
|
Giảm thuế GTGT đối với bán, cho thuê, thuê mua nhà xã hội
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT sẽ sửa các nội dung liên quan đến 7/16 điều của Luật hiện hành, gồm 6 nhóm vấn đề với 27 nội dung.
Về đối tượng không chịu thuế (khoản 1 Điều 1), dự thảo luật bổ sung quy định: “Tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng Việt Nam” thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - ngân sách nhất trí với Dự thảo luật và cho rằng, nếu với tính chất là tổ chức hình thành và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận riêng và nhằm cơ cấu lại tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu của ngân hàng, làm lành mạnh hóa thị trường tín dụng thì việc quy định: tài sản bảo đảm của khoản nợ bán ra của tổ chức trên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT là hợp lý.
Ngoài ra, Dự thảo luật bổ sung quy định về ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ. Theo đó, áp dụng phương pháp khấu trừ đối với cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ từ 01 tỷ đồng trở lên (trừ hộ cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên GTGT) và bổ sung quy định về cách xác định GTGT theo phương pháp tính trực tiếp.
Ủy ban Tài chính- ngân sách tán thành với quy định này vì việc quy định cụ thể ngưỡng đăng ký thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ là phù hợp với đặc điểm và điều kiện cụ thể của Việt Nam, tiết kiệm chi phí và hiệu quả trong hành thu.
Về thuế suất thuế GTGT, dự thảo Luật đã bổ sung quy định nguyên tắc xác định hàng hoá, dịch vụ XK áp dụng thuế suất 0% là hàng hoá, dịch vụ được tiêu dùng ở ngoài Việt Nam, tiêu dùng trong khu phi thuế quan và một số trường hợp cung cấp cho khách hàng nước ngoài theo quy định của Chính phủ.
Về giảm thuế GTGT đầu ra đối với hoạt động bán, cho thuê, thuê mua nhà ở (khoản 2 Điều 2), Dự thảo luật quy định: Giảm 50% thuế GTGT đầu ra từ ngày 01/7/2013 đến hết ngày 30/6/2014 đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ có diện tích sàn dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Để kịp thời khắc phục những bất cập của Luật thuế GTGT hiện hành và đồng bộ với hiệu lực thi hành của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT tại kỳ họp tháng 5-2013 và hiệu lực thi hành của dự án Luật là từ ngày 1-1-2014.
Riêng quy định giảm 50% thuế GTGT đầu ra đối với các hợp đồng bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở và nhà ở là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70 m2 có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 được thực hiện từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014.
Dự kiến 2 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNDN và Thuế GTGT sẽ trình và thông qua tại kỳ họp này, trong đó có một số điểm sẽ có hiệu lực thi hành ngay từ 1-7-2013 nhằm kịp thời hỗ trợ các DN tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Theo mof.gov.vn
|