SẢN PHẨM
Online:
7
 
Truy cập:
204314
Dấu ấn Việt Nam - 2014, nông dân là điểm sáng nhất trong sản xuất nông nghiệp

Dấu ấn Việt Nam - 2014, nông dân là điểm sáng nhất trong sản xuất nông nghiệp, trên Biển Đông và xây dựng nông thôn mới; nông dân là chủ công làm giàu, xóa nghèo bền vững ở nông thôn. Bước sang năm mới - 2015, cùng "nhìn lại", để vững vàng "đi tới" thành công.

Nhìn lại năm 2014, đầu năm, nắng hạn kéo dài khắp các tỉnh miền Trung. Giữa năm, Biển Đông bất ổn, bất an và khó đoán định. Tiếp đến là hàng chục ngàn doanh nghiệp bị giải thể, ngừng hoạt động; trong đó, có nhiều doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Cuối năm, giá dầu thô sụt giảm, việc chi cho xây dựng nông thôn mới, khuyến nông... từ nguồn ngân sách quốc gia cũng thêm phần khó khăn. Song, vượt lên tất cả khó khăn đó, phong trào nông dân, công tác xây dựng Hội Nông dân vẫn chủ động bám sát quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã giành được thắng lợi lớn trên 3 lĩnh vực trọng yếu: Sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng tiền đề của mẫu hình người nông dân trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

Ảnh minh họa, nguồn: internet

Nông dân là điểm sáng nhất trong sản xuất nông nghiệp và bám biển ra khơi; là chủ công làm giàu, xóa nghèo bền vững ở nông thôn. Khi suốt 3 năm 2011 – 2013 sản xuất nông nghiệp đã chững lại về năng suất, hiệu quả, thì đến năm 2014, đã chặn được đà suy giảm, tốc độ tăng trưởng trở lại, đạt trên 3,3%. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn đang theo hướng tích cực; đặc biệt, xuất khẩu nông sản lần đầu tiên cán mốc 31 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013; trong đó, thủy sản tăng vượt bậc, đạt gần 8 tỷ USD, lâm nghiệp đạt 7,5 tỷ USD (tăng 1 tỷ USD so với năm 2013) trong khi, nông dân vẫn thực hiện tốt chính sách phát triển, bảo vệ rừng, trồng cây che phủ rừng tăng mạnh. Cùng với thủy sản, lâm nghiệp – xuất khẩu rau quả có bước tiến lớn, tổng kim ngạch đạt 1,47 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2013. Nếu so sánh kim ngạch xuất, nhập khẩu rau quả, thì năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu gần 1 tỷ USD - là một dấu mốc quan trọng, mở tiếp ra cơ hội cả về tư duy hội nhập và thực tiễn trong tái cơ cấu nông nghiệp nước nhà.

Tiếp theo là ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cơ giới hóa tăng nhanh sau khi dồn điền, đổi thửa, chỉnh trang ruộng đồng, phát triển giao thông, tổ chức lại sản xuất. Các tổ, nhóm hợp tác, tổ liên kết, HTX và hộ nông dân đã tăng mua sắm máy, thiết bị kỹ thuật, cơ giới hóa tới 92% khâu làm đất, 45% khâu thu hoạch, sấy hạt chủ động 55%, tự động, bán tự động chăn nuôi 37%. Nhiều sản phẩm nông cụ sáng tạo và cải tiến của nông dân được đưa vào sản xuất và bán ra thị trường... đã thu hút các doanh nghiệp vào lĩnh vực chế biến, dù chưa thật hài lòng nhưng đã tạo đà phát triển cho những năm tiếp sau.

Nông dân là chủ thể xây dựng nông thôn mới, đang làm thay đổi sâu sắc nhận thức, tạo thêm động lực toàn xã hội góp sức, chung tay. Từ gương sáng hiến đất làm đường, làm trường của nông dân đã lan tỏa đến cộng đồng xã hội tích cực, tự giác tham gia, sáng tạo nên những cách làm: "Từ đồng vào làng" như Thái Bình, "Từ làng ra đồng" như Hà Tĩnh, "Từ ven đô, khu công nghiệp tới miền núi, vùng xa" như Quảng Ninh, "Lấy giao thông làm đột phá" như Tuyên Quang... Đến nay, cả nước có 785 xã đạt chuẩn, 1.285 xã đạt 15 đến 18 tiêu chí, không còn xã trắng tiêu chí, có 2 huyện Long Khánh, Xuân Lộc (Đồng Nai) đã đạt chuẩn nông thôn mới. Dù ở nơi thuận lợi hay có nhiều khó khăn, nhưng vai trò, hoạt động Hội Nông dân vẫn đậm nét trong tuyên truyền, vận động nguồn lực; tham gia giám sát các công trình xây dựng, công khai, minh bạch việc sử dụng vốn góp... đã tạo thêm niềm tin, gắn kết trách nhiệm "Nhà nước với nhân dân cùng làm"; Hội giữ vững được vai trò "Trung tâm và nòng cốt" trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Đóng góp của nông dân đã làm nên thắng lợi lớn, lập nên những dấu mốc mới trên đường hội nhập. Điều đó, tiếp tục khẳng định: Nông dân kiên định, son sắt niềm tin với Đảng, bền lòng vượt khó, đủ năng lực hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, nguồn lực đầu tư chưa đủ tầm; khoa học, kỹ thuật, công nghệ cho sản xuất, chế biến cùng một số vấn đề về an sinh xã hội cho nông dân còn nhiều bất cập... nên chưa giải phóng hết sức lao động ở nông thôn, hai điều trăn trở lớn vẫn là: Nông dân thu nhập thấp và bị động thị trường. Nông dân đang cần chính sách hỗ trợ phát triển: Vốn, khoa học – công nghệ, thị trường và thương hiệu nông sản.

Năm 2015 - năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm 2011 – 2015, hội nhập sâu rộng hơn vào kinh tế toàn cầu; năm thực hiện đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng, đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ cao hơn đối với Hội Nông dân trong phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, tham gia bảo đảm quốc phòng, an ninh; xây dựng giai cấp nông dân, tổ chức Hội Nông dân vững mạnh. Trong đó, "nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng nông thôn mới, xây dựng người nông dân mới, giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội nông thôn" là những nhiệm vụ then chốt. Để giành thắng lợi cao hơn, toàn diện hơn, hoạt động Hội Nông dân cần tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:

Một là, nâng cao hiệu quả hỗ trợ nông dân làm giàu, xóa nghèo bền vững bằng liên kết các hoạt động sản xuất, thông tin, kết nối thị trường, tạo vốn, sử dụng vốn vay, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, trợ giúp pháp lý và dạy nghề cho nông dân... thông qua các chương trình, dự án do Hội Nông dân trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện với các chương trình mục tiêu quốc gia. Địa bàn, đối tượng và trọng điểm hỗ trợ là ngư dân đánh bắt hải sản và vùng nghèo miền núi, bãi ngang. Phương pháp hỗ trợ nông dân cần được đổi mới, trước hết là tư duy lấy hiệu quả kinh tế, tạo ra hiệu ứng lan truyền xã hội để thúc đẩy phong trào.

Hai là, tham gia tổ chức sản xuất hợp tác theo tổ, nhóm, hợp tác xã... liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, ngành hàng. Hoạt động của tổ, nhóm, hợp tác xã phải đạt mục tiêu vừa tăng thu nhập cho nông dân, vừa giúp hộ nghèo, người có khó khăn có thêm thu nhập và thụ hưởng phúc lợi xã hội. Mỗi tổ, nhóm, hợp tác xã cần chọn 1 đến 2 sản phẩm chủ lực để sản xuất hàng hóa chất lượng cao, có thương hiệu, thị trường và hướng đến xuất khẩu, làm giàu.

Ba là, tham mưu cho cấp ủy, phối hợp với chính quyền nâng cao hiệu lực và hiệu quả thi hành Kết luận 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định 673 của Thủ tướng Chính phủ, chủ động liên kết ngang với các bộ, sở, ngành; liên kết dọc trong tổ chức Hội. Quyết định 673 cần chuyển hướng mạnh về cấp huyện và cơ sở để khơi thông trách nhiệm, nguồn lực kinh tế... trực tiếp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Ban thường vụ các cấp Hội cần lựa chọn, giới thiệu cán bộ chủ chốt của Hội có đủ tiêu chuẩn, tham gia cấp ủy trong dịp đại hội Đảng, để đại diện cho nông dân, Hội Nông dân tích cực đóng góp xây dựng cơ chế chính sách, tham gia giám sát và phản biện xã hội, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nông dân.

Bốn là, nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nông dân vào các dự thảo văn kiện đại hội Đảng các cấp cùng với tổ chức các phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giàu; xây dựng nông thôn mới; bảo vệ biên cương, biển đảo của Tổ quốc; giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội nông thôn, góp phần quan trọng vào thành công của đại hội Đảng các cấp, tiến tới đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII thành công tốt đẹp.

Bước sang năm mới - 2015, chúng ta cùng "nhìn lại" để vững vàng "đi tới" thành công!

Nguyễn Quốc Cường- Chủ tịch BCH TƯ Hội NDVN

Theo Dân Việt

Các bài mới hơn:
Các bài đã đăng:
Công ty CP giải pháp EBIC
Địa chỉ: Tổ 18 P.Đồng Mai - Hà Đông - Hà Nội
Điện thoại: 04.8587.7124